Quan tâm tới cảm xúc của bản thân là cái gốc dưỡng sinh

“Cách đây vài ngày, tôi đọc được một bản báo cáo cho biết hơn một nửa bệnh nhân thuộc khoa nội tiết là người mắc bệnh cường giáp. Vì sao ư? Đa số là vì tinh thần ở trạng thái căng thẳng và lo âu trong thời gian dài.” Đó là chia sẻ của một vị bác sĩ. 

Hiện nay, người ta thường xuyên than thở vì tiền và áp lực từ bạn đồng trang lứa. Những thanh niên ở độ tuổi đôi mươi ngày nào cũng thấy mình đang tụt lại phía sau, thế hệ 9x bắt đầu rụng tóc nhiều tới mức đáng lo ngại. Ưu phiền, lo âu chính là căn bệnh thịnh hành của thời đại này. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề đó?

Bảy trạng thái cảm xúc – hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khổng, kinh – được gọi là thất tình, là một phần không thể thiếu của trải nghiệm con người và cũng là điều cần thiết. Tuy nhiên, cảm xúc quá mức có thể gây hại cho cơ thể và sự cân bằng chính là chìa khóa.

Quan tâm tới cảm xúc của bản thân là cái gốc dưỡng sinh 1

Như Hoàng đế nội kinh đã viết “Nộ làm tổn thương can, hỷ làm tổn thương tâm, tư làm tổn thương tỳ, ưu làm tổn thương phổi, kinh nộ làm tổn thương thận.” Mọi biểu hiện cảm xúc quá mức sẽ ảnh hưởng đến hệ thống khí trong cơ thể, gây ra sự rối loạn và có thể dẫn đến bệnh tật. Rõ ràng, sự cân bằng trong cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe toàn diện của chúng ta.

Không chỉ vậy, Hoàng đế nội kinh còn cho biết “bạo nộ thương âm, bạo hỷ thương dương, quyết khí thượng hành, mãn mạch khứ hình”, tức là quá tức giận sẽ làm tổn thương tới yếu tố âm, vui mừng quá mức cũng sẽ tổn thương yếu tố dương, khí nghịch đi lên khiến hệ thống khí trong cơ thể bị đảo lộn, tổn thương tới tinh thần, sau đó bắt đầu gây hại cho ngoại hình, khiến sức khỏe đi xuống.

Không nên nghĩ rằng Đông y chỉ đang kết nối các yếu tố không liên quan một cách bất tự nhiên. Cụm từ “y học tâm thể” đã được sử dụng để mô tả sự tương tác giữa tâm lý và sức khỏe cơ thể, và theo Phân loại các bệnh tâm thể của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ, nhiều bệnh lý cơ thể có thể được liên kết trực tiếp với căng thẳng tâm lý.

Các bệnh như viêm da thần kinh, ngứa, chàm mãn tính, viêm khớp dạng thấp, hen phế quản, loạn nhịp tim, huyết áp cao hoặc thấp, đau nửa đầu, loét dạ dày, loét tá tràng, rối loạn kinh nguyệt, căng thẳng tiền kinh nguyệt, chảy máu tử cung do rối loạn chức năng, đau bụng kinh nguyên phát, vô sinh, cường giáp, tiểu đường, rối loạn giấc ngủ, ung thư, béo phì… đều có thể được liên kết trực tiếp với căng thẳng tâm lý.

Những bệnh kể trên có quen thuộc với bạn không? Bạn nghĩ nó chỉ là vấn đề bề mặt thôi sao? Nếu vậy, tại sao mỗi lần tức giận bạn lại đau bụng? Vì sao một trong những nguyên nhân gây ung thư vú lại là trầm cảm trong thời gian dài?

Quan tâm tới cảm xúc của bản thân là cái gốc dưỡng sinh 3

Nếu muốn kiểm soát cảm xúc của mình, giữ cho cơ thể và tâm trí khỏe mạnh, mọi người cần phải tránh “mười hai cái nhiều”. Đây là điều mà Tôn Tư Mạc đã nhắn nhủ với chúng ta: “Suy tư nhiều sẽ khiến tinh thần mệt mỏi, suy nghĩ nhiều khiến tâm trí phân tán, ham muốn quá nhiều sẽ khiến tâm trí rối bời, nhiều chuyện sẽ khiến bản thân mệt mỏi, nhiều lời khiến khí thiết, cười nhiều tổn thương tạng, buồn nhiều ảnh hưởng tới tim, vui nhiều sẽ không kiểm soát được hành động, mừng quá sẽ khiến ta đãng trí và mê muội, tức giận nhiều khiến cách mạch không ổn định, thích nhiều dẫn tới ám ảnh mê muội, ghét nhiều làm người ta tiều tụy, buồn rầu. Nếu không loại bỏ mười hai cái ‘nhiều’ này, việc vận hành mất cân bằng, khí huyết lộn xộn, mất đi cái căn bản của cơ thể.”

Tương ứng với đó, ta phải làm được “mười hai cái giảm”: “Bớt suy tư, bớt nghĩ ngợi, bớt ham muốn, bớt chuyện, bớt lời, bớt cười, bớt sầu, bớt vui, bớt mừng, bớt giận, bớt yêu, bớt ghét. Người thực hiện được mười hai điều này sẽ có thể bước vào con đường dưỡng sinh.”