TYLENOL LÀ THUỐC GÌ? TÁC DỤNG PHỤ VÀ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG TYLENOL

Thuốc Tylenol với thành phần chính là paracetamol thuộc nhóm thuốc không cần kê đơn của bác sĩ. Vậy công dụng thuốc Tylenol là gì? Tác dụng phụ và lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc mà người bệnh cần chú ý là gì? Hãy cùng phunutoancau tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

TYLENOL LÀ THUỐC GÌ? TÁC DỤNG PHỤ VÀ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG TYLENOL 1

TYLENOL LÀ THUỐC GÌ?

Thuốc Tylenol có thành phần dược chất chính là paracetamol hay acetaminophen. Đây là thành phần quen thuộc với tác dụng chính giúp giảm đau và hạ sốt nhanh chóng.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén. Thuốc đóng gói theo vỉ, 10 viên trong mỗi vỉ.

Thuốc Tylenol được sản xuất bởi nhiều hãng dược phẩm. Thông dụng có sản phẩm với dạng bào chế khác nhau như sau:

  • Sản phẩm Tylenol 8 Hour với dạng viên nén phóng thích kéo dài, chứa paracetamol 650 mg.
  • Sản phẩm Tylenol Extra Strength dạng viên nén với liều paracetamol 500 mg trong mỗi viên.
  • Sản phẩm Tylenol Cold & Flu Severe dạng viên nén, mỗi viên chứa paracetamol 325mg, Guaifenesin 200mg, Dextromethorphan HBr và Phenylephrine HCl 5 mg.

CÔNG DỤNG THUỐC TYLENOL

Công dụng của thuốc Tylenol (hoặc paracetamol, còn được gọi là acetaminophen) chủ yếu là giảm đau và hạ sốt. Dưới đây là một số công dụng cụ thể của thuốc Tylenol:

  • Giảm đau và hạ sốt: Tylenol giúp giảm đau nhẹ đến vừa và hạ sốt do nhiều nguyên nhân khác nhau như đau đầu, đau cơ, đau xương, đau khớp, cảm cúm, cảm lạnh, sốt do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, đau thần kinh, đau bụng kinh, và một số tình trạng đau khác.
  • Đau đầu: Bao gồm đau nửa đầu, đau đầu căng cơ và các tình trạng đau đầu khác.
  • Đau cơ – xương – khớp: Giảm đau ở mức độ nhẹ đến vừa.
  • Cảm cúm và cảm lạnh: Giảm triệu chứng như sốt và đau cơ do bệnh cảm cúm và cảm lạnh.
  • Sốt: Hạ sốt nhẹ đến vừa do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
  • Đau bụng kinh: Giảm đau trong kỳ kinh nguyệt.

Liều lượng sử dụng:

  • Đối với người trưởng thành: Dùng 325–650 mg paracetamol mỗi 4–6 giờ hoặc 1 g mỗi 6 giờ, nhưng không quá 4g/ngày.
  • Đối với trẻ em dưới 12 tuổi: Dùng 10–15 mg/kg/lần mỗi 4–6 giờ, không quá 5 liều/ngày và không vượt quá liều tối đa là 75 mg/kg/ngày.

TÁC DỤNG PHỤ CỦA THUỐC TYLENOL

Trong thời gian điều trị thuốc, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:

  • Nổi mẩn, dị ứng, nổi mề đay trên da.
  • Mất thính lực tạm thời.
  • Rối loạn tiêu hóa như chướng bụng, đau bụng thượng vị, tiêu chảy…
  • Dấu hiệu gây độc cho tế bào gan như vàng mắt, vàng da, buồn nôn, nước tiểu sẫm màu… thường gặp ở nam trung niên, uống nhiều rượu.

Tùy từng cơ địa của bệnh nhân mà phản ứng dị ứng trên da có thể nhẹ nhàng hoặc rầm rộ. Bởi vậy, bác sĩ cần cảnh báo cho bệnh nhân về dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng như hội chứng Steven-Johnson (SJS), hội chứng Lyell, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP) hay hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN).

NHỮNG TÌNH TRẠNG Y TẾ NÀO ẢNH HƯỞNG ĐẾN BỆNH NHÂN KHI DÙNG TYLENOL? 

Người đang mắc bệnh về gan: Acetaminophen chỉ được chuyển hóa một phần ở gan thành dạng không hoạt động nhưng phần còn lại sẽ trở thành chất độc gây hại cho gan. Do đó người bị suy gan không nên dùng Tylenol vì sẽ khiến bệnh tình trở nên tồi tệ hơn, đã có những trường hợp bệnh nhân tổn thương gan nghiêm trọng bao gồm suy gan cấp phải ghép gan, tử vong vì suy gan là do dùng Acetaminophen. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc thì bệnh nhân cần phải được theo dõi kỹ lưỡng và kiểm tra chức năng gan thường xuyên;

Bệnh nhân nghiện rượu mạn tính: như đã đề cập thì rượu là loại đồ uống không tốt cho sức khỏe của gan, nhất là khi còn dùng kết hợp thêm với Acetaminophen;

Bệnh nhân tiểu đường: Acetaminophen có thể làm sai lệch các chỉ số đo đường huyết. Do vậy nên người bị tiểu đường cần tham khảo tư vấn từ bác sĩ để có phương án theo dõi đường huyết hợp lý trong quá trình sử dụng Acetaminophen;

Phụ nữ mang thai: nên hỏi ý kiến từ bác sĩ trước khi dùng thuốc Tylenol.

LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TYLENOL

Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc Tylenol:

Đối tượng chống chỉ định:

  • Bệnh nhân suy giảm hay thiếu hụt men G6PD (glucose-6-phosphate dehydrogenase).
  • Bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Đối tượng cần thận trọng:

  • Phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ và cho con bú.
  • Bệnh nhân bị suy gan, suy thận vừa tới nặng.
  • Bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống co giật, kháng sinh Isoniazid, Hydantoin, Carbamazepine và Diflunisal.

Tương tác thuốc:

  • Rượu sử dụng chung với paracetamol có thể tăng gây hại cho gan, làm giảm chức năng gan.
  • Thuốc chống co giật và kháng sinh Isoniazid cùng thời gian với paracetamol có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc tế bào gan.

Lưu ý khi bảo quản thuốc:

  • Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản và hướng dẫn sử dụng trước khi sử dụng thuốc.
  • Bảo quản hộp thuốc ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp và để thuốc trong nhiệt độ phòng.
  • Nếu thuốc có dấu hiệu hết hạn, mốc hay chảy nước, tuyệt đối không được dùng tiếp.

Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định và sử dụng với liều lượng hiệu quả nhất.