Tại sao nóng trong người nhưng lại uống thuốc bổ thận?

“Cách đây không lâu, tôi tiếp nhận một bệnh nhân tự nhận mình bị nóng trong, nhưng uống thuốc thanh nhiệt, hạ hỏa lại không có tác dụng mà ngược lại còn cảm thấy bệnh nặng hơn. Vậy tình trạng của cô ấy là thế nào? Ngoài tình trạng kinh nguyệt không đều, cô còn thường xuyên mất ngủ, buổi tối cảm thấy nóng nực, bức bối, hay đổ mồ hôi dù trời không nóng, khả năng tiêu hóa cũng không tốt, cô hay chóng mặt, họng khô đắng, mắt khô.

Vì những triệu chứng trên, cô tự chẩn đoán bản thân đang bị nóng trong. Còn về triệu chứng ra mồ hôi trộm, cô nghĩ rằng mình đã hơn bốn mươi tuổi, sắp vào thời kỳ mãn kinh nên đó là biểu hiện bình thường của hội chứng mãn kinh. Để hạ hỏa, cô uống trà hoa cúc, trà chi tử, ăn cháo đậu xanh và các thực phẩm thanh nhiệt khác, nhưng đã hơn mười ngày trôi qua mà triệu chứng vẫn chưa thuyên giảm.

Sau khi nghe lời cô kể, quan sát tình trạng lưỡi và bắt mạch, tôi chắc chắn tình trạng can hỏa vượng của cô ấy là hư hỏa. Phía trên tôi cũng đã giải thích, hỏa có hai loại: hư hỏa và thực hỏa. Thông thường, nếu một người can uất lâu ngày hóa hỏa thì loại này là thực hỏa; nhưng nếu một người thận âm hư, thận thủy không đủ để nuôi dưỡng can mộc thì sẽ dẫn tới chứng can âm hư. Do cơ chế cân bằng âm dương trong cơ thể, khi âm thiếu hụt thì dương sẽ tăng lên một lượng tương ứng, bởi vậy âm hư dễ dẫn tới hỏa vượng hay chính là tình trạng nóng trong, biểu hiện qua các triệu chứng mắt khô, cơ thể bức bối, mất ngủ, bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm, hỏa ở đây là hư hỏa.

Không thể “dập” hư hỏa bằng các vị thuốc có vị đắng, tính hàn, mà phải tư âm bổ thận. Khi âm dương cân bằng thì tình trạng âm hư hỏa vượng ắt sẽ được giải quyết. Do hiện tượng đổ mồ hôi trộm ban đêm của bệnh nhân khá nghiêm trọng, nên có thể thấy không những can âm hư mà thận âm cũng thiếu, bởi vậy tôi đã kê các vị thuốc bổ thận dưỡng gan như ô mai, câu kỷ tử, thục địa hoàng. Chỉ sau một liệu trình, các triệu chứng đã giảm rõ rệt.”

Đó là lời chia sẻ của một vị bác sĩ về tình trạng nóng trong người, cách nhận biết triệu chứng và cách chữa trị của hai loại hỏa.

Tại sao nóng trong người nhưng lại uống thuốc bổ thận? 1

Thông thường, những người mắc các bệnh mãn kinh như tiểu đường, bệnh gan mãn tính, hoặc cao huyết áp thường dễ bị tổn thương thận âm, xuất hiện tình trạng âm hư hỏa vượng. Nếu bạn có thói quen mê đồ ăn cay, béo, vị nồng, thường xuyên uống rượu, và cảm xúc dao động mạnh, có khả năng sinh ra thực hỏa, tức là yếu tố dương trong cơ thể đang lấn át, lúc này cần phải thực hiện các biện pháp thanh nhiệt và hạ hỏa bằng cách sử dụng các bài thuốc có vị đắng và tính hàn.

Cùng là mắt đau do can hỏa vượng, nhưng nếu do thực hỏa gây ra thì mắt sẽ đỏ, sưng và đau, còn do hư hỏa gây ra sẽ thấy mắt rất khô, khó chịu, phải thường xuyên nhỏ mắt để cảm thấy dễ chịu hơn, có người còn cảm thấy như cát rơi vào mắt.

Trong trường hợp hư hỏa, có thể xuất hiện những dấu hiệu như lòng bàn tay và lòng bàn chân nóng, cảm giác phiền muộn, buồn bực, và hiện tượng ngũ tâm phiền nhiệt. Khi triệu chứng này đi kèm với việc ra mồ hôi trộm, thường được coi là tình trạng hư hỏa.

Đối diện với tình trạng hư hỏa, phương pháp trị liệu thường liên quan đến việc tư âm bổ thận để hạ can hỏa. Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp hạ hỏa hay thanh nhiệt nào, quan trọng nhất là cần phải chẩn đoán xem can hỏa vượng là thực hỏa hay hư hỏa.

Những điều cần lưu ý: Đừng tự ý uống thuốc bừa bãi, nếu muốn thanh nhiệt hạ hỏa phải xác định rõ là thực hỏa hay hư hỏa.